RSS

Báo lá cải: Tồn tại hay không tồn tại

28 Th11
Báo lá cải: Tồn tại hay không tồn tại

(Tác giả: Hồng Thắm)

 Ngày nay, báo lá cải đang ngày càng phát triển. Mọi người trên thế giới không còn lạ lẫm gì với những cái tên như: Playboy, Star,… Cuộc chiến giữa báo lá cải và báo chính thống vẫn diễn ra. Đứng ở góc độ định hướng thông tin và đạo đức nghề nghiệp thì đa phần mọi người đều không đồng tình, thậm chí là phê phán những bài báo, những thông tin lá cải.

Nghịch lý giữa lá cải và chính thống
 

“Báo lá cải” đối với người Việt Nam là một danh từ chỉ những tờ báo có nội dung nhảm nhí, giật gân, phóng đại mọi chuyện, khai thác chuyện đời tư và scandal của các nhân vật nổi tiếng nhằm mục đích câu khách. Trong tiếng Anh, người ta gọi báo lá cải là “gutter press” và “rag newspaper.” Ở Pháp người ta dùng từ “feuille de chou” (“feuille”: tờ báo và “chou”: cải bắp).

Còn báo chính thống là dòng báo chí đăng tải các tin tức về mọi mặt đời sống chính trị – văn hóa – kinh tế – xã hội một cách khách quan, chân thật nhất.

Nếu những người làm “báo lá cải” thường chỉ quan tâm đến chức năng giải trí và chạy theo mục đích tối đa hóa lợi nhuận thì những người làm báo chính thống thường tôn thờ chức năng thông tin và chức năng định hướng của báo chí, coi trọng đạo đức của nghề báo, đề cao trách nhiệm xã hội của người làm báo.

Báo lá cải xuất hiện cùng với “nghề làm báo vàng” ở Mỹ vào thế kỷ 19, rồi nhanh chóng lan sang các nước châu Âu và du nhập vào cả các nước châu Á. Từ đó, hai dòng báo “chính thống” và “lá cải” đã song song cùng tồn tại và cạnh tranh nhau không ngừng cho đến ngày nay.

Ai cũng phải thừa nhận một nghịch lý đáng buồn là mặc dù báo chính thống được ca tụng, báo lá cải bị chỉ trích nhưng số lượng phát hành của các tờ báo lá cải lại vượt xa các tờ báo chính thống. Bild hằng ngày bán được hơn 4 triệu bản, The Sun bán được trung bình mỗi ngày 3 triệu bản, trong khi các báo chính thống The Daily Telegraph, The Times, The Guardian chỉ có số lượng phát hành lần lượt là 680 ngàn, 500 ngàn và 350 ngàn bản/ngày.

Ở Việt Nam, đến nay, về mặt danh nghĩa, tất cả các cơ quan báo chí vẫn thuộc dòng báo chính thống bởi lẽ báo chí nước ta là nền báo chí XHCN, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, kiểm soát của nhà nước. Chưa có một tờ báo hay đài phát thanh-truyền hình nào tự thừa nhận là “báo lá cải”.

Thế nhưng cùng với sự phát triển của Internet, “báo lá cải” ở Việt Nam đã tìm cho mình được một mảnh đất mới để phát triển, đó là báo điện tử. Với sức hút lợi nhuận khó cưỡng lại được của dòng báo lá cải, nhiều tạp chí hiện nay của chúng ta cũng đã và đang bị “lá cải hóa.” Thậm chí nhiều báo chí chính thống tiếng tăm ở nước ta thỉnh thoảng cũng vô tình tạo khe hở cho “chữ nghĩa lá cải” len lén nhích vào.

Nhu cầu đọc thông tin lá cải còn thể hiện ở việc mặc dù bị chê trách là đăng quá nhiều tin tức lá cải nhưng số lượng người truy cập vào các trang báo điện tử như 24h, Kênh 14, ngoisao.net … vẫn có số lượng người truy cập rất đông. Hay thậm chí mỗi lần truy cập Yahoo! thì mục tin tức nổi bật – tin được đọc nhiều nhất cũng chính là những tin tức mang tính chất “lá cải.” Vậy thì vì sao công chúng phê phán nhưng lại vẫn tìm đọc “báo lá cải,” và vì sao “báo chính thống” được đánh giá cao nhưng lại vẫn bị lép vế trong sự lựa chọn của một số đông độc giả?

Nghịch lý do đâu

Đi tìm lời giải thích cho nghịch lý trên, có rất nhiều lý do được đưa ra. Trong số đó, lập luận “do trình độ dân trí thấp” là được nhắc đến nhiều nhất. Nhưng nhiều kết quả khảo sát cho thấy sinh viên và 1 bộ phận công sở – những người có trình độ học vấn, kiến thức văn hóa cao – vẫn đọc “báo lá cải.” Và việc báo lá cải ở các nước phương Tây rất phát triển thì không thể nói là do trình độ văn hóa của họ thấp. Như vậy lý do này chưa thỏa đáng lắm.

Lý do thứ hai là “tâm lý tò mò hiếu kỳ” của con người. Nhiều nhà tâm lý học khẳng định đây là bản chất của con người. “Báo lá cải” đã khai thác trúng đặc điểm tâm lý này. Những tin tức giật gân, những sự kiện lạ, những vụ cướp-hiếp-giết dã man, những tấm ảnh “nóng,” “độc” và “hiếm” của các “sao”, của những nhà thể thao, nhà chính trị nổi tiếng được khai thác tối đa trên các báo lá cải nhằm kích thích sự tò mò, hiếu kì của độc giả. Cùng với “báo lá cải” là sự xuất hiện của các paparazzi – thợ săn ảnh. Những tấm ảnh độc thường kích thích sự tò mò của độc giả. Càng lạ, càng độc, càng hiếm thì càng thu hút được đông người xem hơn.

Lý do thứ ba là xu thế của đám đông. Đó là việc mọi người xung quanh luôn đề cập, bàn luận về những tin tức lá cải nhiều hơn là các tin tức chính thống trong các cuộc trò chuyện, tán gẫu hằng ngày. Khi ở trong một môi trường như vây thì người ta cũng hòa vào xu thế đó, người ta cũng tìm đọc cho biết.

Lý do thứ tư, xã hội càng phát triển, áp lực cuộc sống càng tăng cao thì nhu cầu giải tỏa tâm lý, thư giãn, giải trí của con người cũng tăng lên. Việc đọc báo lá cải chính là một hình thức để giải trí, “để giải khuây, để tạm quên đi sự tẻ nhạt đều đặn trong đời sống thường nhật.”

Có cầu ắt có cung, đó là quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường. Báo chí cũng không nằm ngoài quy luật đó. Khi công chúng độc giả có nhu cầu thì báo chí sẽ đáp ứng. Áp lực sự cạnh tranh độc giả giữa các tờ báo và lợi nhuận là nguyên nhân để các tin tức lá cải ngày càng có cơ hội xâm lấn vào nền báo chí chính thống.

Độc giả cũng có thái độ riêng

Đặc điểm của báo chính thống là tính khách quan, tính định hướng. Các nhà báo chính thống thường rất coi trọng và nỗ lực để đảm bảo tính khách quan, tính chân thực đến mức tối đa cho bài báo của mình. Chân thực và khách quan được xem là đạo đức nghề nghiệp của người làm báo chân chính.

Ngược lại, báo lá lại đặt lợi nhuận lên làm ưu tiên hàng đầu. Vì vậy nó thường đánh mất đi chức năng thông tin, chức năng định hướng và đạo đức, lương tâm của người làm báo. Có khi tin lá cải là sản phẩm của sự lợi dụng: Báo lá cải lợi dụng những khoảnh khắc sơ hở, những câu lỡ lời, những phút yếu lòng của những người nổi tiếng hoặc những người liên quan đến họ để có được những bài báo giật gân. Cũng có lúc chính những “người của công chúng” lợi dụng báo chí để đánh bóng bản thân hay nhằm hạ bệ một ai đó…

Với hai đặc tính như vậy, thái độ của công chúng độc giả đối với hai loại báo trên tất nhiên cũng không thể giống nhau.

Đối với báo chính thống, công chúng thường có thái độ tôn trọng hơn, tin cậy hơn. Mục đích của những người đọc báo chính thống chính là để tìm kiếm thông tin, để theo dõi các vấn đề thời sự – xã hội đương đại trong nước cũng như trên thế giới.

Trong khi đó, báo lá cải thì bị một bộ phận không nhỏ công chúng và ngay cả giới làm báo cũng phê phán, chỉ trích. Một bộ phận công chúng khác thì đọc báo lá cải với mục đích chủ yếu là giải trí chứ không hẳn là tìm kiếm thông tin. Rất nhiều người đọc tin lá cải nhưng chỉ đơn thuần là đọc cho vui, đọc giải trí chứ không bị cuốn vào vòng ảnh hưởng của nó.

Quả thật trong bối cảnh hiện nay, với trình độ dân trí ngày càng cao, độc giả cũng có tư duy, thái độ nhất định, có sự lựa chọn, chắt lọc thông tin cho riêng mình chứ không hoàn toàn bị chi phối, bị ảnh hưởng bởi báo chí.

Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là báo lá cải không gây ra ảnh hưởng với xã hội. Hiện nay có quá nhiều những thông tin lá cải như: “Sinh viên ‘yêu’ trong căntin trường” (ngoisao.net), “Học sinh ‘làm chuyện ấy’ trong lớp” (ngoi sao.net), “Nam sinh lớp 9 đâm nhau vì bạn gái” (VnExpress)….dù ít dù nhiều thì những cái tin như vậy cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

“Báo lá cải” thường vượt quá giới hạn, đăng những tin sai sự thật, kiểm chứng nguồn không kĩ lưỡng dẫn đến thông tin sai cho công chúng độc giả. Trường hợp dễ nhận thấy nhất là những bài báo đi quá sâu vào đời tư của những người nổi tiếng, đến cả đời tư những người thân, gia đình của người nổi tiếng cũng bị đưa lên báo, có những tin không cần thiết mà báo vẫn đăng như “Cao Thái Sơn yêu… chó”, “Em gái ‘búp bê’ Thanh Thảo tình tứ cùng hot boy,” “Jessica Simpson không thèm đánh răng mỗi ngày” (Dân Trí, 28/4/2010), “Chuyện phòng the của vợ chồng Tổng thống Pháp” (ngoisao.net, 11/5/2010).

Thậm chí là xào nấu tin tức, chỉ từ một tấm hình, một câu nói của người nổi tiếng, “nhà báo lá cải” đem tách ra khỏi văn cảnh, ngữ cảnh của nó để rồi suy diễn theo chủ ý của mình đưa đến cái nhìn sai lệch cho công chúng độc giả.

Rồi chỉ từ một sự kiện rất bình thường nhưng sau đó hàng loạt báo ăn theo, khai thác triệt để mọi ngóc ngách, lật dậy cả quá khứ của các “sao”. Ví dụ: Chuyện ca sĩ Hồ Ngọc Hà có bầu, suốt mấy tháng liền có thể nói không báo nào là không có bài liên quan đến sự việc này. Thậm chí có báo đã biến chuyện này thành “nghi án” và giật một cái tit câu khách: “Nghi án Hồ Ngọc Hà và Cường đôla”. Quá khứ của Hồ Ngọc Hà và Cường đôla bắt đầu được tung ra nhan nhản trên các báo: “Hà Hồ đã đi qua bao nhiêu cuộc tình?”, “Kiều nữ Việt và những \’nghi án\’ tình ái với Cường ‘đôla’ (VnExpress). Điều này gây ra khá nhiều rắc rối, bức xúc cho giới nghệ sĩ.

Với những hiện tượng, những tác động nêu trên của báo lá cải, chúng ta cũng có thể hiểu được mối lo lắng của nhiều độc giả tri thức trong xã hội và của các chuyên gia tâm lý học, xã hội học và cả giới truyền thông về vấn đề “báo lá cải.” Những hiện tượng của báo lá cải cũng là một phần nguyên nhân tạo nên và khắc sâu thêm cái nhìn sai lệch, định kiến của xã hội đối với giới báo chí nói chung.

Khi báo lá cải ngày càng tràn lan thì cũng là lúc nó làm cho sức mạnh của một nền báo chí chân chính yếu đi. Công chúng độc giả khi thường xuyên phải tiếp xúc với quá nhiều thông tin lá cải sẽ suy giảm niềm tin vào báo chí, thậm chí có nhiều độc giả còn bức xúc, cảm thấy khó chịu và đi đến những nhận định sai lệch cho cả một nền báo chí “báo chí lúc nào cũng săm soi đời tư của người khác,” “chuyện gì cũng có thể lên báo,” “nhà báo nói láo ăn tiền”…

Làm báo lá cải cũng cần có đạo đức

Có thể thấy báo chính thống giống như “bữa ăn chính” còn báo lá cải là những món “quà ăn vặt.” Theo tâm lý tuổi tác, thường thì nữ giới và những người trẻ là những người thích ăn quà vặt hơn nhưng dần dần theo sự đi lên của tuổi tác, sự sâu sắc của nhận thức, người ta lại coi trọng và quay trở về với những bữa ăn chính.

Thực tế báo lá cải ở nước ta cũng vậy, dòng báo này thường được ưa chuộng bởi nữ giới và giới trẻ nhiều hơn, còn đối với những người trưởng thành, có độ chín chắn về tuổi tác và nghề nghiệp thì dòng báo chính thống vẫn là sự lựa chọn số một, là người bạn tin cậy của họ.

“Quà ăn vặt” là thú vui của nhiều người nhưng không thể để quà ăn vặt thay thế bữa ăn chính và thực tế quà ăn vặt cũng không thể thay thế được bữa ăn chính. Như vậy, “báo lá cải” vẫn có quyền được tồn tại, nhưng một nền báo chí muốn “khỏe mạnh,” chân chính, lâu dài và bền vững thì hoàn toàn phụ thuộc vào báo chính thống, phải xây dựng, phát huy dòng báo chính thống… bên cạnh đó cũng cần có những giới hạn nhất định đối với “báo lá cải.”

Dù muốn hay không thì “báo lá cải” sẽ vẫn tiếp tục tồn tại song song bên cạnh “báo chính thống.” Tuy nhiên, cần có sự kiểm soát về chất lượng và số lượng, không để báo lá cải tự do phát triển tràn lan, làm mất đi nét đẹp trong văn hóa đọc của công chúng.

Bản thân những người làm báo lá cải cũng không nên quá chạy theo lợi nhuận, đưa thêm quá nhiều những “phẩm màu,” “đường hóa học,” “chất kích thích”… độc hại vào “món quà ăn vặt” của mình để thu hút “khách” nhưng đồng thời cũng là đang đầu độc công chúng độc giả./.

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười Một 28, 2011 in NHẬT KÍ VIẾT BÁO

 

Nhãn:

Bình luận về bài viết này