RSS

[Tản văn] – Đi và Dừng

(Hoàng Thúy Hiền – VBK1)

       Đi bộ giữa một ngày tháng chín trời hanh hao buồn, bất chợt một ý nghĩ len lỏi “Giờ, lớn lên, và bắt đầu trôi dần về những khoảng trời xa xôi của kí ức, mới biết, dường như chúng ta cũng đang bắt đầu tập đi từng bước như mấy đứa bé lên hai..”

 c

       Con người ta học cách bước đi không phải để đi mãi, để đi xa hơn nơi mình đang đứng, để quên đi những gì làm mình tổn thương, mà là để biết trân trọng những tháng ngày đã qua, để bản thân mạnh mẽ hơn, để tâm trí không còn lấn cấn, băn khoăn về những câu chuyện buồn với ngàn vạn nỗi buồn xưa cũ nữa. Đôi khi, giữa thành phố mình đang sống kia, giữa hàng triệu người đang cùng hít thở bầu không khí với mình kia, cảm thấy cô đơn đến kì quặc. Gặp gỡ nhiều, quen biết cũng nhiều, cười nói cũng rất nhiều. Nhưng bản chất là không có ai đủ thân thiết để hiểu mình đang cô đơn đến thế nào. Nên là đi. Lúc ấy đi là để trốn tránh sự hoa lệ, hào nhoáng, trốn tránh sự yếu đuối của chính mình. Và đi để hiểu rằng bản thân thật cần một nơi không ai cả, không gì cả, mọi thứ sẽ trống rỗng, và như thế, sẽ thật dễ chịu.

     Có những người luôn buộc mình vào những chuyến đi dài. Thường thì họ sẽ đi theo đôi theo cặp. Nhưng cũng có những người, chỉ muốn đi một mình.

    Tưởng tượng mà xem, có một ngày, em thấy chán ghét chính bản thân mình, thấy bản thân quá cũ kĩ và nhạt nhẽo, thấy cuộc sống vô vị và hời hợt đến đau lòng, và rồi em nghĩ rằng đến lúc phải thay đổi rồi, đến lúc phải đi rồi, không thể ngồi yên được nữa. Thế là đi. Xách ba lô lên, xỏ giày vào, mọi thứ đơn giản thôi nếu em đủ dũng cảm, đủ quyết tâm thay đổi. Để có em mới mẻ hơn, can trường hơn, và độc lập hơn.

    Đi, để hiểu mình hơn, hiểu bản thân cần gì, muốn gì.

    Đi, để thấy đôi chân mình sao quá yếu đuổi, khi giữa đoạn đường, em bất chợt dừng lại, bất chợt tổn thương, đau đớn mà không cách nào đứng lên.

    Đi, để thấy cuộc đời sao quá ngắn ngủi, em mải mê chạy theo những ước vọng xa vời mà quên rằng mình cũng cần được yêu thương.

    Thậm chí, em cứng đầu học chạy trước khi có những bước đi vững vàng, để đến khi vấp ngã, em chỉ biết thở than, khóc lóc rồi tự hỏi chính mình sao thành ra thế này?

    Em ạ, đi mãi rồi cũng mệt. Em cần phải biết tự điều chỉnh quãng đường đi của mình, để đến khi sức đã cạn, chân đã mỏi, thì em còn có thể dừng lại kịp thời kịp lúc. Đi một quãng dài, đến lúc phải dừng lại rồi, em à. Dừng lại để nhìn xem quãng đường mình đã đi qua dài chừng nào, dừng lại để nhìn lại bản thân mình đã thay đổi ra sao trên từng ấy chặng đường, dừng lại để em có sức mà đi tiếp, mà trở nên mới mẻ và kiên cường hơn. Và có thể, dừng lại chỉ là để trở về, để đưa tay níu giữ một nơi đã qua, một thời đã xa, và một người đã đi mất..

    Mọi chuyến đi có lẽ đều vui, khi em đi, em vui vì sắp được đi đến một miền đất mới. Khi em về, em lại vui vì được về nhà. Biết cân bằng giữa đi và dừng lại, em sẽ thấy mọi thứ thật dễ chịu và ý nghĩa.

a

      Có người lựa chọn việc bắt đầu những chuyến đi như một sự giải thoát, vì họ yếu đuối, họ hèn nhát. Ngụy biện cho sự yếu hèn ấy, người ta thường tặc lưỡi: “Thôi nào, con người mà, cũng phải có lúc thế này, lúc thế kia chứ!”. Nhưng không, không phải thế em à, chúng ta sống trên đời này đã là một kì tích rồi, đừng bi kịch hóa cuộc đời của chính chúng ta bằng những chuyến đi đáng lẽ sẽ rất tuyệt vời nếu ta không cho rằng đó chỉ là một cuộc trốn chạy. Em đi, để sau này, khi em dừng lại, em sẽ tự cho phép mình mỉm cười trước sự thay đổi của bản thân, để thấy mình hoàn toàn nhẹ nhàng, thanh thản và an yên sau những tháng ngày chông chênh.

     Thuở bé, đã bao lần em vấp ngã khi tập đi? Và sau mỗi lần vấp ngã, có phải em lại càng háo hức muốn đi, muốn được tự đứng trên đôi chân nhỏ xíu, yếu ớt của chính mình, để mà bước đi, để mà khám phá biết bao điều thú vị từ cuộc đời quá đỗi dài rộng này? Thấy không em, đứa trẻ khi ấy còn dũng cảm và can trường hơn em bây giờ rất nhiều. Có phải càng lớn, người ta lại càng ngại khám phá, ngại tìm hiểu, ngại bước đi, ngại làm quen với những cái mới, và khăng khăng giữ lại những điều quen thuộc, cố chấp trước một hiện tại nhàn nhạt và cũ kĩ? Quy chụp lại, liệu có phải do con người ta sợ tổn thương, sợ bản thân bị đau trước một tương lai-không-thể-nhìn-thấy ấy? Vì sợ bị đau, nên không dám thử, dần dà, thành một thói quen, thói quen rụt lại trước những cái mới, e dè và quá nhạy cảm.

      Chắc em vẫn nhớ điều này, nếu Christopher Columbus không có những chuyến đi kéo dài ấy, thì giờ chắc gì tên tuổi ông đã được gắn liền với Châu Mỹ? Nếu ngày ấy ông chần chừ, do dự, sợ hãi việc phải đi xa thì có thể đến giờ Châu Mỹ vẫn chìm trong sương mù, núi cát.

     Em có biết tuổi trẻ là cái quan trọng nhất của đời người không? Đi đi em, dấn bước lên, thử những cái mới như ăn một món ăn mới, đi đến trường bằng một con đường mới, tập một bài hát mới, đọc một cuốn sách mới, hoặc bắt đầu một công việc mới, hay chỉ là tập cho mình những thói quen mới, em sẽ thấy đời thay đổi, rồi chính em cũng thay đổi. Bước đi của em chính là để tạo ra những cái mới, những cái tràn đầy sức trẻ, em hiểu mà, phải ko?

      Đi đi em, để thấy cuộc đời sao mà dài rộng quá, và cũng dừng lại thôi em, để chiêm nghiệm, để cảm nhận những gì em đã kinh qua, những chặng đường dài em đã bước tới.
Để thấy yêu chính em, yêu cả sự cô đơn kì quái của chính mình..

H.T.H

 
 

Nhãn: , ,

“Khởi sinh của cô độc” – Những cứu rỗi từ kí ức

(Tác giả : Kim Cúc – VBK1 – thành viên CLB Bạn Đọc)

Một trong những hoạt động thường xuyên của CLB Bạn Đọc (Khoa Viết văn – Báo chí) là đọc và viết bài điểm sách. Những cuốn sách được giới thiệu ở CLB không chỉ thuộc lĩnh vực chuyên môn và bó hẹp trong phạm vi trường học mà còn mở rộng ra các lĩnh vực khác, nhất là hướng đến tính chất cập nhật những sách mới, sách hay. Việc làm rất khó khăn và chưa thể thu hút ngay số đông sinh viên tham gia này lại đang được một số thành viên CLB nỗ lực hưởng ứng[1]. Bài điểm sách dưới đây, tuy chưa thật hoàn hảo, nhưng cho thấy người viết đã đọc và viết được về một cuốn sách khó đọc. Tôi vui mừng coi đây là thành quả đáng khích lệ, là tín hiệu khả quan cho hoạt động của CLB và niềm yêu thích sách vốn dĩ đáng-ra-phải-thế dưới mái trường đại học. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc SVVH. (M.A.T)

            

            Khởi sinh của cô độc (Phương Huyên dịch từ “The invention of solitude”, nằm trong tủ sách Cánh cửa mở rộng do Nxb Trẻ ấn hành quí II năm 2013) là một cuốn tiểu thuyết mang đậm tính chất hồi kí của Paul Auster. Tuy là tác phẩm đầu tay nhưng Khởi sinh của cô độc đã mang lại danh tiếng tức thì cho Paul Auster, mở ra một sự nghiệp văn chương đồ sộ có tầm quốc tế. Các tác phẩm của Paul Auster đã được dịch sang ba mươi thứ tiếng khác nhau và nhận được nhiều giải thưởng danh giá của Mỹ và quốc tế, gần đây nhất là giải thưởng văn học Prince of Asturias 2006. Hiện tại, Paul Auster là phó chủ tịch hội Văn bút PEN Hoa Kỳ.

             Với dung lượng 274 trang, Khởi sinh của cô độc được chia làm 2 phần rõ rệt.

             Phần đầu – Chân dung một người vô hình kể về người cha không có vợ, không có gia đình ràng buộc, “sống một mình trong một ngôi nhà đủ tiện nghi cho sáu, bảy người” (tr.12) . Ông như người vô hình làm cho “khả năng lẩn trốn của cha là vô tận” (tr. 25), lạnh lùng và cô độc. Ông có lối sống mà “tình cảm” là “thứ không thể bẻ cong” (tr. 81), những lần được trò chuyện cùng cha của tác giả sẽ “là một trải nghiệm của sự nỗ lực” (tr. 27). Nhưng ở cuối phần đầu, Paul Auster đã làm người đọc vỡ òa về lòng nhân ái, tình yêu thương con người của cha (từ tr. 92 – 112). Phần sau – Sách của ký ức được tạo bởi 13 kí ức khác nhau, mỗi kí ức tựa như một cuốn sách ngắn được sắp xếp hết sức khéo léo, tinh tế. Ở phần này, đối tượng hướng đến được mở rộng, không chỉ là một người cha, một người con mà là những người cha, những người con và những người cô độc khác (anh A., ông S., Q., R., O., P., B.). Họ là những con người khác nhau, sống ở những thời điểm khác nhau nhưng cùng chung một cảnh ngộ: sự cô độc.

           Khởi sinh của cô độc đã giúp người đọc có cái nhìn sắc nét về bối cảnh của thế giới cũng như ở nước Mỹ trong những năm 1919 – 1920. Chẳng hạn như cuộc nội chiến tại Nga; Đám tang của Karl Liebnecht và ba mươi mốt người theo phong trào Spartacus khác (“Hơn năm mươi ngàn người tuần hành trên một đoạn đường dài tới năm mươi dặm. Hai mươi lăm phần trăm số này đội vòng hoa. Không có tiếng la hét hoặc cười nói nào”); hay Luật cấm rượu khắp cả nước được phê chuẩn (“William Jennings Bryan – người đã làm cho món nước nho trở nên nổi tiếng – đã ở đó với một nụ cười rộng mở”); Cuộc biểu tình của ngành sợi ở Lawrence, Massachusetts, dẫn đầu bởi hội Wobbly,… Qua đó, Paul Auster đã thể hiện một quan điểm chính trị rõ ràng, một cái tôi mạnh mẽ, táo bạo nhưng không kém phần lịch sự, trang nhã.

          Khi mới tiếp cận tác phẩm, người đọc có lẽ sẽ thấy khó hiểu, nhất là ở phần cuối, bởi tác giả của cuốn sách này chịu ảnh hưởng sâu sắc của phân tâm học và thuyết tiên nghiệm. Nhưng, với cách sử dụng từ ngữ vừa giản dị, vừa mộc mạc, gần với ngôn ngữ đời thường, toàn bộ tác phẩm như cuộc đối thoại của chính tác giả với người đọc, “ông than phiền về giá cả (một chủ đề bàn đi nói lại) và khi cuối cùng ông đồng ý” (tr.12), “tòa nhà trở nên tiều tụy và trầm uất khiến chẳng ai muốn bước vào” (tr. 16), “cha là một người lơ đễnh và cứng đầu. Nhưng mà ẩn sâu điều đó tôi biết cha đau khổ”( tr. 44) …

         Khởi sinh của cô độc còn là sự dung hòa của hai yếu tố: ngôn ngữ nói với ngôn ngữ thuộc ngành khoa học. Chẳng hạn như, “lầm lì, đánh một giấc ngắn, vớ vẩn, nguệch ngoạc, điên rồ, dấm dớ, ghê tởm, lắp bắp, nói vòng vo, luyên thuyên hằn học, lang băm, bòn tiền, xoàng xĩnh,…” là những từ thuộc ngôn ngữ nói; hay “thuộc tính tự nhiên, phản ứng, thuần chất, vật chất, một khối vật chất thuần túy, quán tính, nguyên tắc, dạng vô hình, bản thể, thi pháp…” lại thuộc ngôn ngữ khoa học. Sự dung hòa đó đã tạo nên phong cách riêng của chính tác giả. Cách viết về sự cô độc của Paul Auster có thể xem là sự phân trần cho cái tôi trung thực. Tác giả không giấu diếm khi kể về cuộc đời của cha mình và của những nhân vật mà ông gọi là A., S., R., Q.,B.,O., P. Họ có một đời sống thực, với vẻ bề ngoài thì vô tình, lạnh lùng nhưng thực chất lại là một đời sống nội tâm phong phú, mà tình yêu thương con người là cái đích để người ta hướng tới. Phải chăng trong nó có ẩn tình nào khác ? Bởi một điều thật đơn giản, không ai muốn trở nên tù túng trong một cái ao chật hẹp, họ luôn khao khát yêu và được yêu, được cống hiến tất cả cho gia đình, cho những người thân của mình.

           Cái hay của tác phẩm là từ “không” được lặp lại 961 lần, nó như một lời mệnh lệnh, một sự khẳng định, một sự phủ định, một nghi vấn, một không gian hay một cái gì đó của chính tác giả và những người cô độc. Tên của nhân vật cũng đặc biệt, họ không được gọi bằng những cái tên cụ thể mà chỉ là những từ phiếm chỉ A., S., Q., R., P., O., B. mà thôi. Giọng điệu của tác phẩm như một khúc tâm tình, khi thì trách móc nhẹ nhàng “sự vô vọng của cha thật khủng khiếp” (tr. 45), khi thì đau buồn xấu hổ, luyến tiếc, bởi khi người cha chết đi, Paul Auster mới nhận ra mình chưa bao giờ là người con trai mà cha mong đợi (ông ân hận, “Tôi không được trao cho để nhìn thấy cha sau khi ông chết cơ hội nào”, “chuyện không bao giờ được nhìn thấy ông khi đã chết đẩy tôi vào nỗi đau đớn mà tôi chẳng hề đón nhận” (tr. 108)), khi thì dí dỏm hài hước “nằm trong quan tài dưới lòng đất, thân thể cha vẫn y nguyên, móng tay và râu của cha vẫn tiếp tục mọc” (tr. 54)…

           So với các cuốn sách khác: “The New York Trilogy” – 1987; “Moon Palace” – 1989; “The Brooklyn Follies” – 1925 (bộ ba cuốn sách của ông về New Jork) thì đây là một cuốn sách thể hiện rõ văn phong của tác giả, đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sắc thái chính trị với sắc thái đời thường, thể hiện một lối tư duy phóng khoáng mạch lạc, cách dẫn truyện thì hấp dẫn bởi kết cấu chặt chẽ, sự kiện xuất hiện theo một trình tự sắp sẵn, có những bước ngoặt khiến người đọc vỡ òa về những ý nghĩa sâu xa của cuộc đời và kiếp người. Có thể thấy, với cách viết mới mẻ, độc đáo, Paul Auter đã mang lại một kiểu nhị trùng thể loại tiểu thuyết-hồi kí khá riêng biệt trong văn chương thế giới hiện đại.

Kim Cúc

[1] Ở SVVH số trước cũng đã đăng bài điểm sách Xách ba lô lên và đi của bạn Hoàng Thúy Hiền – thành viên CLB Bạn Đọc

 

Nhãn: , , , , , ,

Đồng tính – Hãy coi đó là một phần của xã hội

(Nguyễn Khương Việt Hưng – Lớp VBK1)

“Không ai trong xã hội này có quyền lựa chọn giới tính của mình khi sinh ra, nhưng có quyền lựa  chọn cách sống của mình” . Giới tính không không chỉ được quy định bởi thể xác mà nó là sự kết hợp đồng điệu giữa thể xác và tâm hồn, dù cho tâm hồn và thể xác không thể dung hòa với nhau thì vẫn hãy coi đó là con người của xã hội.

Đồng tính hiện nay không còn là một vấn đề quá xa lạ đối với xã hội nữa, song nó rất cần sự quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ từ xã hội để cho cho cộng đồng người đồng tính thực sự hòa nhập với cái nơi mà họ đã và đang sinh sống và làm việc. Đồng tính thực chất là một biểu hiện của xu hướng tình dục chứ không phải là sự biến thái hay suy đồi đạo đức. Điều khác biệt duy nhất là trái tim của họ rung động với những người đồng giới – điều không xảy ra với những người bình thường. Ngày nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã có cái nhìn cởi mở hơn về người đồng tính. Hà Lan là quốc gia đầu tiên cho phép hôn nhân đồng tính vào năm 2001. Sau đó, các quốc gia như Tây Ban Nha, Canada, Nam Phi, Na Uy, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Argentina,vv… và các tiểu bang ở Hoa Kỳ Massachusetts, Lowa, Connecticut, Vermont, New York cùng với thủ đô Mexico cũng cho phép hôn nhân đồng tính. Ở 16 quốc gia khác, những người đồng tính có thể kết hợp dưới luật dân sự. Như vậy, đồng tính không những đã được các nước phương Tây thừa nhận trên phương diện xã hội mà nó còn được chấp nhận trên phương diện luật pháp hiện hành.

Mỗi khi nhắc đến người đồng tính, chúng ta thường nghĩ ngay đến những người bị bệnh về tâm lý, những người không bình thường hay những thành phần xấu trong xã hội. Họ bị tách biệt ra khỏi xã hội mà họ đang sống. Mặc dù đồng tính là yếu tố bẩm sinh trong xu hướng tính dục, đó không phải là một căn bệnh và cũng không thể truyền nhiễm, lây lan trong xã hội song cộng đồng thường xa lánh và kỳ thị họ. Đồng tính cũng giống như giới tính, bản thân họ vốn không thể lựa chọn khi được sinh ra.

Nhiều người đồng tính che giấu cảm xúc và hành vi của họ vì sợ không được công nhận hoặc bị bạo hành. Tuy nhiên, có những người đồng tính công khai thiên hướng tình dục của họ. Những nỗ lực nhằm giải phóng đồng tính luyến ái được cho là bắt đầu từ thập niên 1850 và giữa 1860, sự xuất hiện, sự công nhận và quyền cho người đồng tính và song tính luyến ái ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, chứng ghê sợ người đồng tính vẫn còn, đặc biệt là nó làm cho nhiều người trẻ phải chịu đựng điều này và gặp nhiều khó khăn trong xã hội đôi khi dẫn đến tự tử. Có không ít những người thành đạt trên rất nhiều lĩnh vực như văn hóa, xã hội, kinh tế, khoa học, giáo dục,… là những người đồng tính. Tuy vậy, bản thân họ không cho rằng đồng tính là sự khác biệt giữa họ với những người xung quanh nên họ cũng không lộ diện. Có lẽ vì vậy mà những đóng góp của ngườồng tính cho xã hội ít được xã hội ghi nhận.

Đối với người đồng tính, việc thừa nhận khai giới tính luôn là sự đối mặt ghê gớm nhất. Bởi họ thường xuyên bị đào thải và xa lánh trong tập thể nên dễ dàng mắc phải chứng bệnh tâm lý, strees và dần dà chính họ cũng nghĩ mình là con bệnh, họ khác người, họ không được chấp nhận, bị hiểu sai hiểu chưa đúng… tất cả những nguyên nhân thường gặp này khiến họ phải thường xuyên chịu áp lực lớn từ chính cộng đồng mình đang sinh sống. Một nghiên cứu qua mạng internet được thực hiện gần đây cho thấy có tới 46% những người nam, nữ đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới đã từng bị bạo hành và phân biệt đối xử tại trường học, điều đó cho thấy những người đồng tính luôn phải nhận lấy sự dè bỉu và chà đạp của xã hội, và nó cũng đã vô tình đẩy họ vào con đường cùng quẫn.

Bắt đầu từ năm 2004, khi internet bùng nổ mạnh mẽ cũng là giai đoạn các diễn đàn báo mạng bùng nổ, những cộng đồng online được ra đời và phát triển. Cũng từ đây, cộng đồng đồng tính người Việt tại Việt Nam và khắp thế giới có cơ hội tìm đến với nhau, chia sẻ cùng nhau những vui buồn trong cuộc sống. Trong số rất nhiều các diễn đàn, câu lạc bộ online có thể nhắc đến các diễn đàn dành cho những người, những nhóm đồng tính nữ và đồng tính nam như: bangaivn.net, asianlabrys.com…

(Đám cưới của những cặp đôi đồng tính)

Ngày 17/5/1990, WHO đã quyết định loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách phân loại bệnh quốc tế. Từ đó đến nay, ngày 17/5 hàng năm đã được các nước lớn và liên minh châu âu EU công nhận là ngày Quốc Tế chống kì thị LGBT (International Day Against HOmophobia and Transphobia – IDAHO). Tại Việt Nam, tinh thần của ngày IDAHO được quan tâm và nhiều sự kiện được tổ chức là một minh chứng cho thấy sự lớn mạnh và tự tin của cộng đồng những người nam, nữ đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới cùng với xã hội Việt Nam ngày càng cởi mở và bao dung hơn.

Ngày nay, khi xã hội đã có những cái nhìn lạc quan và đúng đắn hơn về đồng tính thì cũng là lúc những người đồng tính dám đứng lên “sống thật” với chính bản năng của mình. Đồng tính không còn là những gì quá khắt khe và lạc nhịp với xã hội nữa, nó đã được hiện thực hóa hơn với những tác phẩm văn học hay những bộ phim lột tả chân thực về thế giới của người đồng tính. Những tiểu thuyết văn chương như Bí mật hậu cung của Bùi Anh Tấn, Nháp của Nguyễn Đình Tú đều nói lên những khó khăn và thử thách của người đồng tính. Nếu như trong văn của Bùi Anh Tấn là lồng tình yêu đồng giới vào những bối cảnh khác nhau thì văn của Nguyễn Đình Tú lại là lý giải sự cô đơn mất mát của một thế hệ. Hay như Hot boy nổi loạn – bộ phim của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, được xem là một đột phá của điện ảnh Việt Nam trong việc miêu tả cuộc sống của những người đồng tính, để lại cho người xem những xúc cảm đặc biệt và tính nhân văn cao cả.

Những ngày hội đồng tính (Pride Day) đã được tổ chức nhằm giúp cho những người đồng tính có cơ hội giao lưu và kết bạn với nhau, giúp họ vượt qua những mặc cảm hàng ngày gặp phải. Nhiều bạn trẻ đã công khai giới tính của mình xem ngày hội như một sân chơi thoải mái giúp họ kết giao thêm bạn bè. Như nhóm Zera, là tập hợp các bạn đồng tính nam mê nhảy đến với chương trình qua các bài nhảy cũng như để giao lưu nhiều hơn.

(Nhóm nhảy Zera tự tin trong những điệu nhảy của mình tại một ngày hội đồng tính ở Tp.HCM)

Trong một xã hội công bằng, mọi người đều có quyền sống như nhau nhưng tại sao chúng ta lại coi đồng loại của mình là “những kẻ dị thường” tại sao phải đào thải họ khỏi cộng đồng, như vậy là không công bằng với họ. Ngay cả những bệnh nhân HIV cũng cần phải được đối xử bình đẳng thì tại sao chúng ta lại bất công với những người đồng tính, họ đâu phải là những con bệnh đáng sợ?

Thiết nghĩ, tất cả những ai chưa hiểu hết về giới tính thứ 3, chưa từng cảm thông và dành cho họ những tình cảm bình thường như những người bình thường khác thì hãy mở rộng trái tim và giang rộng vòng tay chung sống hòa đồng với họ, hãy hiểu cho số phận thiên bẩm của những người đồng tính, họ không thể tự chọn giới tính cho mình. Đồng tính không phải là điều gì xấu xa và tình yêu đồng tính không có gì đáng bị lên án. Hãy coi đó là cái “tạm khuyết”, để rồi công nhận nó là một phần không thể gạt bỏ đi của xã hội này.

N.K.V.H

 

Nhãn: , , ,

Như trăng và nguyệt

Như trăng và nguyệt

            Những bài viết, cuốn sách về âm nhạc và con người Trịnh Công Sơn đang được nối dài thêm theo thời gian, đặc biệt là sau khi ông mất (2001). Sức hấp dẫn mang tên Trịnh Công Sơn hẳn là ngoại cỡ  bởi các ca khúc của ông liên tục được trình diễn khắp mọi chốn, như một lệ thường có khả năng vĩnh viễn; và bởi, sau rất nhiều những ngợi ca tưởng đã cạn kiệt, người ta vẫn hướng về ông với vô số cảm hứng khác nhau, trong nỗ lực xác thực vị trí bất tử được gói gọn trong từ duy nhất “Trịnh”  mà hẳn cuộc đời ngắn ngủi của ông có lẽ chưa từng nghĩ/muốn tới.

Read the rest of this entry »

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 16, 2012 in KHÔNG GIAN VĂN HÓA

 

Nhãn:

Sách xưa không bao giờ cũ

Sách xưa không bao giờ cũ

(Tác giả: Xuân Lộc)

Hoàng Minh không làm công việc liên quan nhiều đến sách nhưng lại có niềm yêu sách đến ngạc nhiên. Sự trân trọng sách của anh ấy khiến tôi rất cảm động nên đã mời đến nhà thăm thư viện của gia đình”. Ông Nguyễn Văn Thành, chủ nhân của bộ sưu tập hơn 10.000 cuốn sách xưa rất nổi tiếng ở Hà Nội bị cháy rụi vào tháng 8-2010, đã nhận xét về nhà sưu tầm sách Hoàng Minh như vậy.

Read the rest of this entry »

 
 

Nhãn:

Nền văn hóa của tự do

Nền văn hóa của tự do

 

(Tác giả: Mario Vargas Llosa; Phạm Nguyên Trường dịch)

Những cuộc công kích hiệu quả nhất nhằm chống lại quá trình tòan cầu hóa thường lại không phải là những cuộc công kích liên quan tới kinh tế học. Mà là những cuộc công kích về mặt xã hội, đạo đức, và trên hết là lĩnh vực văn hóa. Những luận cứ này từng nổi lên trong những vụ lộn xộn ở Seattle vào năm 1999 và lại vang lên ở Davos, ở Bangkok, và Prague trong thời gian gần đây. Họ nói như sau:

Read the rest of this entry »

 
 

Nhãn:

Tuyển sinh VIẾT BÁO k.II

Tuyển sinh VIẾT BÁO k.II

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA HÀ NỘI

 

THÔNG BÁO TUYỂN SINH

CHUYÊN NGÀNH VIẾT BÁO K.II năm 2012

  Read the rest of this entry »

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Hai 21, 2012 in TIN TỨC

 

Nhãn:

Báo chí văn chương đầu thế kỷ XX tại Việt Nam, nhìn nhận từ cấp độ mô hình

Báo chí văn chương đầu thế kỷ XX tại Việt Nam, nhìn nhận từ cấp độ mô hình

(Tác giả: Cao Việt Dũng – Viện văn học)

 

Đã có một số tác phẩm quan trọng về lịch sử báo chí Việt Nam được in cho tới nay: sau cuốn sách mở đường của Huỳnh Văn Tòng, Lịch sử báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1930[i], trong khoảng mười năm trở lại đây đã xuất hiện những công trình đồ sộ như Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam[ii], Lịch sử báo chí Việt Nam 1865-1945[iii], hoặc có thể kể tới những cuốn sách của Hồng Chương như Báo chí Việt Nam (1985) hay Tìm hiểu lịch sử báo chí Việt Nam (1987), một cuốn khác nữa của Nguyễn Thành, Báo chí cách mạng Việt Nam (1925-1945) (1984).

Read the rest of this entry »

 
 

Nhãn:

Chuyên đề MÙA ĐÔNG [6]: Lặng nhớ mùa đông

Chuyên đề MÙA ĐÔNG [6]: Lặng nhớ mùa đông

(Tác giả: Phạm Thanh ThúySinh viên Viết Văn K.12)

Khi bạn đọc câu chuyện này, có thể là mùa đông đã đi qua. Nhưng mà chẳng sao, năm nào mà chẳng có mùa đông. Sẽ lại có một mùa đông khác, rồi một mùa đông khác…

Tôi không thích mùa đông. Mùa đông là mùa của nhà giàu và son phấn. Tôi thì nghèo và lại dị ứng với phấn son.

Read the rest of this entry »

 
4 bình luận

Posted by trên Tháng Một 31, 2012 in VỀ CHÚNG TÔI

 

Nhãn:

Văn học và điện ảnh – Những người bạn đồng hành

Văn học và điện ảnh –  Những người bạn đồng hành

 (Tác giả: Đạo diễn – NSND Đặng Nhật Minh)

 Tôi nhớ đã từng đọc ở đâu đó câu nói của một nhà văn rằng: khi anh cảm thấy bất  lực, không thể làm gì khác hơn, anh hãy cầm lấy bút. Tôi không nghĩ các nhà văn khi cầm bút đều ở trong tâm trạng như vậy. Nhưng trong đời tôi, đã có những lần tôi cảm thấy bất lực, không biết làm gì hơn, và tôi đã cầm bút viết một vài truyện ngắn. Một số truyện ngắn đó sau này trở thành cơ sở cho những bộ phim như: Thị xã trong tầm tay, Trở về, Mùa ổi. Tôi bỗng nhiên trở thành người chuyển thể văn học lên màn ảnh.

Read the rest of this entry »

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Một 13, 2012 in KHÔNG GIAN VĂN HÓA

 

Nhãn: